Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Thu hút vốn vào doanh nghiệp qua những góc nhìn từ một hội nghị

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đến năm 2015 đã có 287/299 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương được cổ phần hóa (CPH), đạt 96% kế hoạch. Tuy nhiên, nếu CPH xong mà phần vốn nhà nước vẫn nắm giữ 80 - 90% thì mục tiêu của tái cơ cấu nhằm thu hút vốn vào làm cho doanh nghiệp mạnh hơn, có cơ cấu hợp lý hơn, đổi mới quản trị và nâng cao khả năng cạnh tranh sẽ khó đạt kết quả như kỳ vọng.


Mỗi doanh nghiệp một câu chuyện
Mở đầu “Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch 2016 - 2020”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/12/2015, ông Phan Đăng Tuất - Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương đã bất ngờ thông báo, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Hội nghị này sẽ không mang tính nghi lễ, mà nghiêng về hình thức của một hội nghị - tọa đàm - thảo luận.
Có lẽ vì thế, Báo cáo mà ông Tuất trình bày trước Hội nghị cũng thiên về hơi hướng của một bản báo cáo đề dẫn, mang tính khơi gợi những vấn đề cần đặt lên “bàn cân” cho các doanh nghiệp xem xét dưới những góc nhìn đa chiều.
Để đi đến Hội nghị này, Thường trực Ban Đổi mới đã khảo sát tại 5 tập đoàn, 7 tổng công ty và 3 công ty thuộc Bộ Công Thương. Tất cả những khó khăn, vướng mắc và cả những “tâm tư” nữa, đã được ghi chép chi tiết, tỷ mỉ. Kết quả của những chuyến đi thực tế kéo dài nhiều tháng đó được mô hình hóa lên thành một bảng sơ đồ tổng hợp.
Theo đó, quá trình CPH một doanh nghiệp có 5 bước chính, gồm: chuẩn bị, xác định giá trị, phương án CPH, IPO, thành lập công ty cổ phần. Mỗi bước đi này, doanh nghiệp đã phải đối diện với 1 hoặc nhiều trong 5 vấn đề thường gặp sau: khía cạnh pháp lý, tài chính, tái cơ cấu, người lao động, công tác quản lý.
Công phu như thế, nhưng ông Tuất vẫn lo bỏ sót, nên nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp tham dự Hội nghị tiếp tục nêu những vướng mắc phát sinh.
Quả đúng như lời ông Tuất, những ý kiến của doanh nghiệp trong buổi hội nghị - tọa đàm - thảo luận hôm ấy, có thể nói, mỗi doanh nghiệp là một câu chuyện về con đường tái cấu trúc gian nan của mình, với những vướng mắc đặc thù riêng biệt.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ CPH các đơn thuộc tập đoàn trong 17 năm: Đến nay, Vinatex đã CPH xong toàn bộ 81 đơn vị và là một trong những hiện tượng hy hữu khi các đơn vị thành viên trải qua đầy đủ tất cả các nghị định hướng dẫn về CPH từ năm 1998 đến nay. 12 doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 44 năm 1998; 17 doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 64 năm 2002; 46 doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 187 năm 2004; 5 doanh nghiệp làm theo Nghị định 59 năm 2011 và 01 doanh nghiệp làm theo Nghị định 189 năm 2013.
Kinh nghiệm “đầy mình” như thế, nhưng ông Trường vẫn băn khoăn, nên theo mô hình nào. Như Vinatex làm “từ dưới lên”, tức CPH các đơn vị thành viên trước, CPH công ty mẹ sau thì có ưu điểm là nhận thức về CPH của người lao động và doanh nghiệp thành viên sẽ tạo ra một sức ép tích cực đến việc CPH công ty mẹ; nhược điểm của nó là thời gian quá dài. Ngược lại, nếu làm “từ trên xuống”, tức CPH công ty mẹ trước rồi doanh nghiệp thành viên sau, có ưu điểm là nhanh, chỉ 4 - 5 năm, nhưng CPH công ty mẹ xong cũng ít tác động được đến sự thay đổi trong công tác quản trị của các doanh nghiệp thành viên. Nói rồi ông Trường kiến nghị các cơ quan quản lý cần tổng kết thành bài học kinh nghiệm để cho những doanh nghiệp cấp tổng công ty hay tập đoàn tham khảo cho quá trình CPH sau này.
EVN lại đem đến cho Hội nghị những câu chuyện “rắc rối” khác. Có 2 công ty cổ phần do EVN nắm 51% và 46% cổ phần, chỉ sản xuất máy biến áp để bán trong ngành Điện. Nhưng Nghị định 63 năm 2014 có những quy định mới về đấu thầu; theo đó “Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau” nên 2 công ty cổ phần nói trên bị loại trong mọi cuộc đấu thầu. Trong khi máy biến áp 500 kV là thành tựu công nghệ của ngành Điện nước ta.
Hành trình CPH của các doanh nghiệp ngành Điện khá nhiều gian nan. Riêng Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3), mới ở bước đầu tiên là chuẩn bị CPH đã có 2 câu chuyện tréo ngoe. Thứ nhất, vấn đề chi phí tư vấn thực hiện CPH chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến chậm trễ. Chi phí tư vấn của Genco3 được Bộ Tài chính áp mức giá 700 triệu đồng, nhưng chi phí theo kết quả đấu thầu với giá thấp nhất đã là 2,2 tỷ đồng. Câu chuyện thứ hai liên quan đến quan hệ tài chính đặc thù. Các nhà đầu tư muốn Genco3 phải bán 51% cổ phần, nhưng các chủ nợ quốc tế lại yêu cầu EVN phải nắm giữ 51% mới bảo lãnh cho vay các dự án.
Trong suốt buổi hội nghị - tọa đàm - thảo luận, có lẽ “đau đầu” hơn cả là vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, các yếu tố tăng giảm, các khoản phải thu, phải trả; là việc xử lý tài sản tồn đọng, xử lý công nợ trong quá khứ. Có những tài sản trị giá trên sổ sách 10 tỷ đồng, qua 5 - 7 năm chỉ còn 500 triệu đồng, không ai dám xác nhận; có những khoản nợ “treo” qua 4 - 5 đời giám đốc, đến khi CPH mới lộ diện, v.v và v.v... Thực là, mỗi nhà một chuyện, chẳng có cái khó nào giống cái khó nào.
Những vướng mắc trên chẳng những làm chậm quá trình CPH, mà quan trọng hơn, khi những vướng mắc, dù là vướng mắc về tài chính hay về khía cạnh pháp lý chưa được làm sạch thì khó mà thuyết phục được các nhà đầu tư mở hầu bao.
Cân nhắc thận trọng
Đích đến cuối cùng của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là thu hút được nguồn lực xã hội, đổi mới quản trị và nâng cao khả năng linh hoạt của doanh nghiệp trong một thị trường đã tương đối mở và liên thông mạnh mẽ với thế giới như nước ta. Do đó, dù là CPH hay thoái vốn thì phải xử triệt để vấn đề tài chính đối với doanh nghiệp, có như thế, doanh nghiệp mới “hấp dẫn” hơn, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẳng định quan điểm của Chính phủ là những vướng mắc về tài sản tồn đọng, công nợ trong quá khứ dù “lùng bùng” đến mấy cũng phải xử lý bằng được. Nếu vì xử lý triệt để mà định giá doanh nghiệp dưới sổ sách thì Nhà nước sẽ “gánh” chứ không để cổ đông mới phải chịu.
Trên thực tế, đã có trường hợp như Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được lên phương án “khoanh lại” để việc CPH Tổng công ty Giấy thuận lợi hơn. Trên thực tế, cũng có những vướng mắc về tài chính hay khía cạnh pháp lý hiện nay chưa thể xử lý được do mâu thuẫn với các văn bản pháp lý hiện hành. Số này sẽ được đại diện Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tập hợp, ghi nhận, báo cáo Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính tới đây nghiên cứu, sửa đổi.
Mặc dù vào cuộc với tinh thần thẳng thắn, sẵn sàng đi tới cùng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành Công Thương, phần lớn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu đã được giải tỏa, hoặc gợi ra được hướng giải quyết. Nhưng có những vấn đề đặt ra tại Hội nghị có lẽ cũng còn phải chờ thời gian, nghĩa là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mới xác quyết được hướng đi rõ ràng, chẳng hạn có nên CPH hay thoái vốn tại những doanh nghiệp mang tính đặc thù, tức chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ trong ngành? Hiện có khá nhiều doanh nghiệp đặc thù như vậy trong ngành Điện, Xăng dầu, Dầu khí hay Khoáng sản. Những doanh nghiệp loại này nên CPH, thoái vốn bao nhiêu phần trăm là “an toàn”. Nếu CPH hay thoái vốn tới mức cổ đông bên ngoài chi phối, khi họ thấy hướng kinh doanh khác hiệu quả hơn, họ rẽ lối thì hậu quả sẽ thế nào? Đây chính là nỗi lo đã được EVN trải nghiệm. Vì thế, tập đoàn này cho rằng, nếu có phải bán cổ phần các doanh nghiệp điện thì phải bán cho các nhà đầu tư có chuyên môn trong ngành Điện. Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cũng nói rằng, ai phê bình ông về việc chỉ định thầu thì ông chịu, chứ ông không dám để doanh nghiệp ngoài ngành “đụng” vào (thiết kế, xây dựng) kho xăng của Petrolimex.
Tập đoàn Hóa chất thì đang “băn khoăn đứng giữa hai dòng nước”, nếu bán cổ phần 37% thì không hấp dẫn cổ đông, nếu bán 51% thì phải xem xét đến những kịch bản xấu có thể xảy ra. Những kịch bản xấu là gì? Có thể sẽ ít tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, mà hướng đến phát triển bất cứ lĩnh vực nào hấp dẫn hơn; có thể là khi nắm được thị trường rồi, thì chẳng “dại” gì sản xuất nếu nhập khẩu “ngon” ăn hơn.
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco) lại lo rằng, nếu Sabeco chỉ nắm giữ vốn điều lệ khoảng 20% ở các công ty liên kết thì sẽ khó điều hành khi thị trường biến động. Trong khi đó, theo thống kê, các công ty liên kết thuộc Sabeco hiện sản xuất tới 50% sản lượng. Sự e ngại của Sabeco là sự e ngại chung của tất cả các doanh nghiệp có mô hình tập đoàn hay tổng công ty. Nếu công ty con, hay công ty liên danh, công ty liên kết giữ cổ phần áp đảo, HĐQT của họ có quyền phủ quyết mọi quyết định của tổng công ty hay tập đoàn trong trường hợp xảy ra xung đột lợi ích.
Tại Hội nghị, cả nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng, nếu bán cổ phần ra bên ngoài ít quá, Nhà nước vẫn nắm giữ 80% đến 90% thì hiệu quả của CPH, thoái vốn không cao, không tác động nhiều đến thu hút nguồn lực xã hội, đến đổi mới quản trị. Việc tiếp tục bán CP ra bên ngoài là cần thiết và cấp bách.
Nhưng với những doanh nghiệp mang tính đặc thù đối với ngành, với nền kinh tế sẽ được xử lý theo kiểu “làm điểm nhân diện”; một số ít hơn có thể sẽ phải quyết định đơn lẻ, từng doanh nghiệp một và không dùng nó như một tiền lệ cho trường hợp kế tiếp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét